banner

Tọa đàm Phát Triển Nghề Bếp Hiện Tại và Tương Lai

Chiều ngày 24/7/2024, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội đã tổ chức thành công TỌA ĐÀM: PHÁT TRIỂN NGHỀ BẾP – HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Các đại biểu Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội – HPC tham dự buổi Toạ đàm gồm:

  • Ông Hà Hải Đoàn: Chủ tịch Hội
  • Bà Nguyễn Thị Ánh: Phó Chủ tịch công tác hội viên
  • Ông Đặng Hiếu: Phó chủ tịch Đối ngoại – Quan hệ Quốc tế
  • Cùng các Trưởng ban và thành viên BCH

Tham dự Toạ đàm còn có sự góp mặt của các Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội đầu bếp trên nhiều tỉnh thành, các chuyên gia, nghệ nhân và các bạn học sinh.

Trong buổi tọa đàm, chủ tịch Hội ông Hà Hải Đoàn được nhà trường phân công là thành viên đoàn chủ tịch điều phối tọa đàm. Đồng thời ông Hà Hải Đoàn đã có bài tham luận. Dưới đây là phần trích dẫn tham luận của Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội do anh Hà Hải Đoàn viết và trình bày tại buổi toạ đàm:

Truyền lửa nhiệt huyết nghề bếp cho thế hệ đầu bếp trẻ

“Kính thưa ban tổ chức, kính thưa các thầy cô, các đồng nghiệp và toàn thể quý vị,

Tôi rất vinh dự và vui mừng được đứng đây hôm nay để chia sẻ về chủ đề quan trọng: ‘Truyền lửa nhiệt huyết nghề bếp cho thế hệ đầu bếp trẻ’. Trước tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ban tổ chức đã mời tôi cùng với các thành viên của Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội tham dự và phát biểu tại hội thảo này.

Kính thưa quý vị, khi được ban tổ chức giao viết tham luận với chủ đề ‘Truyền lửa nhiệt huyết nghề bếp cho thế hệ đầu bếp trẻ’, tôi thấy đây là một chủ đề lớn và khó. Đặc biệt, để truyền được lửa, mình phải có lửa, có nhiệt huyết thì mới truyền được cho các em.

Tôi đã kiểm tra lại xem mình có còn lửa đam mê nhiệt huyết hay không?

Tôi nhận ra rằng mình thực sự có ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết! Bộ phận văn phòng của Hội có đề xuất  là giao cho văn phòng tự nghiên cứu và viết bài tham luận. Nhưng tôi bảo không, chủ đề này tôi phải tự viết. Vì vậy, tôi đã thảo luận với các thành viên chủ chốt của Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội cùng với tâm tư nhiệt huyết của bản thân để có được bài trình bày ngày hôm nay.

Đầu tiên, tôi cho rằng đầu bếp trẻ cần hiểu sâu sắc tầm quan trọng của ngọn lửa đam mê và lòng nhiệt huyết trong nghề bếp.

Nghề bếp, hay bất cứ nghề nào khác, trước khi theo nghề, mỗi chúng ta cần xác định cho mình một mục tiêu, đích đến. Mình sẽ trở thành một người làm nghề như thế nào, có cuộc sống ra sao trong nghề nghiệp của mình. Mục tiêu đó được xác định bởi lý trí. Nhưng để đi đến thành công của mục tiêu đó, chúng ta phải dùng đến ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết. Mọi nghề đều như vậy, riêng nghề bếp thì đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết là yếu tố quan trọng giúp duy trì và phát triển nghề. Nó không chỉ là động lực để chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách mà còn là nguồn cảm hứng vô tận để chúng ta không ngừng sáng tạo và cải tiến, thôi thúc người đầu bếp không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng.Những đầu bếp thành công trong nước và quốc tế luôn là những người sở hữu ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết cháy bỏng trong từng công việc hàng ngày.

Tôi tin rằng khi có được lửa đam mê nhiệt huyết, chúng ta sẽ làm được 3 việc quan trọng và giá trị như sau:

Điều thứ nhất đó là: Sự thấu hiểu khách hàng

Hiểu khách hàng không chỉ đơn giản là biết họ thích ăn gì, mà còn là thấu hiểu nhu cầu, sở thích và cảm xúc của họ. Khi có ngọn lửa đam mê, các đầu bếp trẻ sẽ có khả năng kết nối với khách hàng qua từng món ăn, tạo ra những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ.

Điều thứ 2 là: Am hiểu nguyên liệu thực phẩm

Chỉ với lòng đam mê thật sự, người đầu bếp trẻ mới có nhiệt huyết tìm tòi để thật hiểu nguyên liệu, thực phẩm – yếu tố quyết định của món ăn ngon. Am hiểu về nguyên liệu, thực phẩm  là kiến thức quan trọng về những đặc trưng, đặc tính của mỗi loại nguyên liệu, thực phẩm. Từ việc hiểu, chúng ta có thể biết cách sử dụng với phương pháp chế biến phù hợp và sự kết hợp hài hòa. Từ đó mới tạo ra các sản phẩm, tác phẩm có giá trị toàn diện cả về khoa học dinh dưỡng, hương vị và tính nghệ thuật trong ẩm thực.

Một số ví dụ nhỏ như:

Hiểu về tác hại của vỏ và hạt cà chua sẽ cho ta quyết định loại bỏ chúng khi chế biến. Hiểu về củ và rau chúng ta mới quyết định đưa các loại củ vào hầm, rau vào món xào luộc. Hoặc hiểu đặc tính riêng của rau gia vị ở VN, hiểu để sử dụng gừng, xả, hành tỏi…vv để tạo ra món ăn cân bằng tính nóng lạnh…vv. Tất cả những điều cơ bản đó tiếp tục đưa chúng ta đi sâu sắc hơn và bám vào câu nói nổi tiếng của ông tổ nghề y là Hippocrates đã nói “ Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn”

Điều thứ 3 đến từ người làm nghề có lửa đam mê  là: Khả năng Rèn luyện và nắm bắt các kỹ năng điêu luyện trong nghề

Kỹ thuật nấu nướng là việc giúp chúng ta chuyển hóa những hiểu biết, kiến thức về nguyên liệu, những yêu cầu và nguyện vọng của khách hàng trở thành sản phẩm cụ thể.

Ngoài kỹ năng nấu nướng còn kỹ năng khác để tổ chức công việc năng suất và chất lượng như quản lý thời gian, giao tiếp và làm việc nhóm. Điều này giúp họ trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp, sáng tạo hiệu quả.

Nếu như chúng ta có mục tiêu rõ ràng, có lửa đam mê và lòng nhiệt huyết, chúng ta sẽ đi được đến thành công trong nghề bếp. Nhưng tôi tự hỏi câu hỏi: như vậy đã đủ chưa?

Theo tôi, là chưa đủ. Ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết thực ra chỉ là một phần của cái Tâm.

Tâm, Thân và Trí là 3 thứ quan trọng mà chúng ta phải rèn luyện:

Rèn Thân: là rèn luyện thân thể, chúng ta cần rèn luyện thể chất đều đặn, ăn uống và ngủ nghỉ khoa học. Rèn Trí bằng cách: Học hỏi bằng cách đọc sách, nghiên cứu, học hỏi từ đồng nghiệp và trải nghiệm thực tế.

Rèn Tâm: Đây là phần khó hơn. Chúng ta vẫn thường quen nghe câu nói “Làm nghề bằng cái tâm”. Tâm ở đây là tấm lòng. Là thứ mà về cơ bản mình không tính cho mình, mình làm vì người khác, vì khách hàng, vì đồng nghiệp, vì nghề bếp, vì nền ẩm thực Hà Thành nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung.

Những thứ mình đang học hỏi được thực ra là được thừa hưởng từ tiền bối, Vì vậy tiếp nối chúng ta cần có những cống hiến mang tính sáng tạo, mang tính nâng tầm để cảm ơn nghề, cảm ơn nền ẩm thực đã tạo ra cho chúng ta những thứ đang được thừa hưởng

Nói về ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết về cái “tâm” của cá nhân mình với nghề, tôi xin có một vài ý:

–           Quá trình làm nghề của tôi luôn tâm huyết với ẩm thực Hà Thành nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung, đã trải qua nhiều thăng trầm và khó khăn trong hành trình nghề bếp. Nhiều năm gần đây tôi luôn nhiệt huyết đem bánh mì là món ăn của Việt Nam để phục vụ thực khách trong nước và quốc tế.

–           Dù rất bận rộn, nhưng tôi vẫn sắp sửa hoàn thành chương trình học thạc sĩ quản trị kinh doanh tinh gọn (Mini MBA) để bổ trợ cho nghề nghiệp của mình, hoặc như ngày hôm nay tôi đã có mặt ở đây với bài tham luận dành cho các đầu bếp trẻ.

–           Hoặc hiện tại với vai trò Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội, tôi luôn mong muốn cùng các đầu bếp trong hội nâng cao sự chuyên nghiệp của các đầu bếp trẻ và nâng tầm ẩm thực Hà Thành.

Đó là Một vài điều nhỏ tôi kể ra như vậy với điều muốn nói rằng cá nhân mình đang làm nghề giữ được lòng nhiệt huyết, sự đam mê và tấm lòng.

Bản thân tôi và các thành viên BCH Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội nhận thức rõ rằng: Truyền lửa nhiệt huyết nghề bếp cho thế hệ đầu bếp trẻ là trách nhiệm chung của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng những người làm nghề. Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội đã và luôn nỗ lực kết nối các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp để tạo cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và rèn luyện cho đầu bếp trẻ; nỗ lực xây dựng cộng đồng đầu bếp gắn kết và giữ lửa, góp phần phát triển nền ẩm thực Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng những chia sẻ của tôi hôm nay sẽ truyền cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ. Hãy tiếp tục theo đuổi đam mê và không ngừng nỗ lực để trở thành những người đầu bếp hiện đại, tài năng, đầy nhiệt huyết và có tấm lòng chân thật. Cảm ơn các bạn, các đồng nghiệp, các thầy cô đã lắng nghe.

Xin chân thành cảm ơn!”

 

Một số hình ảnh trong buổi Toạ đàm:

Share