banner

BẾP TRƯỞNG NGUYỄN THỊ ÁNH – TÂM HUYẾT CẢ ĐỜI DÀNH CHO ẨM THỰC

Là một đầu bếp với nhiều năm kinh nghiệm, đã từng làm tại những khách sạn lớn, Chef Nguyễn Thị Ánh –  Bếp trưởng bếp Dimsum – nhà hàng ASIA thuộc khách sạn Grand Plaza Hà Nội, luôn nỗ lực hết mình để đưa những tinh hoa ẩm thực vào từng sản phẩm đưa đến thực khách. Cùng với đó là hành trình lan toả đam mê nghề, đóng góp những giá trị có ích cho cộng đồng của chị, hiện tại chị là Trưởng ban Hội viên và là Uỷ viên BCH Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội (HPC).

Nghề đầu bếp như một cái duyên trong cuộc đời chị

Khác với nhiều người, ngay từ nhỏ chị đã có ước mơ trở thành đầu bếp. Sinh ra và lớn lên trong gia đình ngoại thành Hà Nội, vào những năm 70 điều kiện kinh tế còn khó khăn, gia đình chị phải trải qua nhiều nghề để kiếm sống, từ làm nông nghiệp, đến nấu rượu, làm bánh tráng, bánh đa, bánh cuốn…để đổi lấy gạo và thức ăn. Dù làm nhiều nghề như vậy, nhưng chị vẫn thích nhất là làm bánh cuốn – một món ăn truyền thống rất nổi tiếng của vùng đất Hà Thành. Đến giờ chị vẫn nhớ về hình ảnh một cô gái nhỏ một tay múc bột vào nồi hấp bột bánh, một tay cầm sách tranh thủ đọc lúc chờ bột chín. Có lẽ chính điều này khiến cho cô bé Ánh ngày nào đã đem lòng yêu cái công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chỉ này từ khi nào không hay và ấp ủ cho mình giấc mơ trở thành Đầu bếp chuyên nghiệp.

Nhiều năm gắn bó với nghề đầu bếp, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, chị luôn nuôi dưỡng những mong muốn được học hỏi và phát triển bản thân, phát triển kỹ năng lên tầm chuyên nghiệp. Chị đã tìm tòi và tham gia một số khoá học đầu bếp ở các Trung tâm đào tạo nấu ăn chuyên nghiệp. Năm 1998, chị được giới thiệu vào làm bếp cho khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội. Thời điểm đó, ở Hà Nội, khách sạo 5 sao rất ít, đây là một khách sạn lớn và hiện đại hàng đầu lúc bấy giờ. Chị vô cùng tự hào và tự nhủ mình phải cố gắng thật nhiều, bởi mơ ước được làm trong một môi trường chuyên nghiệp của mình nay đã được toại nguyện.

Tuy vậy, con đường nghề bếp chuyên nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả với những người có kinh nghiệm trong nghề lâu năm và đôi tay khéo léo như chị. Nếu ai đã từng làm việc trong môi trường khách sạn, nhà hàng tiêu chuẩn quốc tế sẽ thấu hiểu được mức độ khắt khe và yêu cầu đáp ứng dịch vụ cao như thế nào. Những buổi đào tạo, tập huấn, thi nâng cao kỹ năng liên tục, áp lực từ nhiều phía, từ sếp, từ khách hàng, từ tay nghề chuyên môn đến những khó khăn về ngôn ngữ đa quốc gia…mọi thứ đều là bài thi thử thách lòng kiên nhẫn và khả năng thích nghi, vượt khó của người đầu bếp.

Chị chia sẻ: “Khi mới vào làm, chị cũng chỉ được sắp xếp ở vị trí dọn dẹp, phụ bếp. Nhưng chị không nản chí, chị cứ cố gắng làm tốt nhất có thể, vì thế chỉ sau 5 tháng, chị được chuyển sang bộ phận Chinese Kitchen (bếp Tàu). Ở đây chị thích lắm, chị được học và làm các món Á, đặc biệt là món Dimsum mà chị vẫn gắn bó và phát triển đến tận bây giờ.”

Nỗ lực làm việc không ngừng, chị luôn tận tuỵ trong từng món ăn, tâm huyết với từng sản phẩm đưa đến thực khách. Khi biết tin Khách sạn Grand Plaza Hà Nội chuẩn bị khai trương, chị cảm thấy như cơ hội một lần nữa tới với mình, chị muốn thử thách chính bản thân tại một môi trường mới và quyết định chuyển sang Grand Plaza Hà Nội phụ trách vị trí bếp trưởng bếp Dimsum – nhà hàng ASIA. Đến nay cũng sang năm thứ 12 chị gắn bó với khách sạn. Tại đây, chị được thoả sức sáng tạo với các món Dimsum như một người nghệ sĩ thực thụ. Nhờ ẩm thực mà chị được thăng hoa trong sáng tạo, được vinh dự gặp gỡ những vị khách quốc tế nổi tiếng, được đón tiếp những quan chức chính trị trong và ngoài nước…Những thực khách này đều dành cho chị và cả Team những lời khen, lời cảm ơn. Có lẽ những niềm vui nho nhỏ như vậy càng tiếp thêm động lực và tình yêu nghề của chị.

Chef Nguyễn Thị Ánh vinh dự được đón tiếp và phục vụ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam

Hành trình chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghề cho thế hệ trẻ

Yêu mến và gắn bó với nghề là thế, tuy vậy hành trình mấy chục năm với nghề bếp cũng có khi gian truân. Chưa kể thời gian đứng bếp khá dài, thức khuya dậy sớm thì chị còn luôn trăn trở làm sao sáng tạo ra những hương vị mới, công thức mới. Chiếc bánh be bé, xinh xinh, ấy vậy mà đòi hỏi rất nhiều kỹ năng từ chuẩn bị bột bánh, đánh nhân đến kỹ thuật tạo hình, sáng tạo vỏ bánh ra sao. Cùng là chiếc bánh đó, làm thế nào để thực khách ăn hoài không chán, đồng thời chính món ăn đó nó cũng phải giữ được niềm đam mê, cảm hứng sáng tạo cho chính người đầu bếp. Đi và học hỏi để phát triển và hoàn thiện kỹ năng luôn được chị ưu tiên hàng đầu.

Những kiến thức, kỹ năng chị có được từ mấy chục năm làm nghề nay được chị hạnh phúc truyền lại cho thế hệ đầu bếp trẻ. Chị đem nhiều tâm huyết chia sẻ trong các buổi Chia sẻ kinh nghiệm ẩm thực trên truyền hình để lan toả được đến nhiều người hơn.

Chị chia sẻ: “Hiện nay những đầu bếp trẻ chọn chuyên ngành về Dimsum không nhiều, vì công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, bền bỉ, nhân lực mảng này còn ít. Đây là điều chị luôn trăn trở để muốn phát triển ngành này. Ở khách sạn chị, hiện nay Dimsum không chỉ được dùng làm món điểm tâm, mà thậm chí trong những tiệc lớn 700-900 khách, thực khách cũng chọn Dimsum làm món khai vị, vì thế số lượng bánh phục vụ trong một buổi tiệc lên đến vài nghìn chiếc bánh với những vị khác nhau. Chị thực sự muốn lan toả đến nhiều người hơn để kế thừa và phát triển những món ăn này.”

Chef Nguyễn Thị Ánh trong chuỗi chương trình Chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn trên truyền hình –

Chương trình Café sáng VTV3

Chef Nguyễn Thị Ánh chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn cho người Việt Nam tại nước ngoài

qua kênh Truyền hình VTV4

Chef Nguyễn Thị Ánh chia sẻ kinh nghiệm trong chương trình

Thực Phẩm An Toàn – Đài truyền hình Hà Nội

Chef Nguyễn Thị Ánh trong sự kiện Giao lưu Trình diễn ẩm thực – Đài truyền hình VTV3 đưa tin

Chef Nguyễn Thị Ánh trong sự kiện Giao lưu Trình diễn ẩm thực – Đài truyền hình VTV1 đưa tin

Ngoài thời gian dành cho nơi đang công tác, chị vẫn dành thời đi đào tạo các đầu bếp ở các nhà hàng khắp các tỉnh thành. Chị tranh thủ thời gian hết ca và ngày cuối tuần đi các tỉnh để đào tạo cho các đầu bếp, giúp các nhà hàng set up hệ thống. Có những ngày chị liên tục di chuyển trên xe, xuống xe là vào buổi đào tạo rồi lại nhanh chóng về Hà Nội chuẩn bị cho công việc tại khách sạn vào hôm sau, thậm chí có những ngày chỉ ngủ vỏn vẹn 2 giờ đồng hồ. Ai đã biết đến chị đều nể phục công suất làm việc và sức bền của chị. Chỉ có lòng yêu nghề thực sự và tâm huyết muốn cống hiến cho nghề mới giúp cho chị có đủ sức khoẻ và tinh thần để làm công việc này một cách miệt mài như vậy.

Một công dân năng nổ trong các hoạt động đóng góp cho xã hội với tâm niệm “Cho Đi Là Còn Mãi”

Ngoài niềm đam mê với ẩm thực, đầu bếp Nguyễn Thị Ánh còn rất năng nổ trong các hoạt động xã hội. Hiện tại, chị là Hội phó hội Chữ thập đỏ Khu dân cư Phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội nơi chị sinh sống; Ban quản trị Câu lạc bộ Thiện nguyện Kết nối yêu thương. Ở bất kỳ vị trí nào, chị cũng đều hoạt động và cống hiến hết mình cho lợi ích chung của tổ chức. Vô cùng bận rộn như vậy, nhưng chị vẫn ưu tiên dành thời gian tối thứ 4 hàng tuần xuống phố đi quyên thiện cùng CLB, số tiền quyên góp được, chị cũng muốn trao tận tay người được nhận. Chị tâm niệm “Của cho không bằng cách cho”, vì vậy chị không chọn cách gửi người khác hoặc chuyển khoản cho người nhận, thay vào đó là đến tận nơi, trao tiền, quà và động viên tinh thần những bệnh nhân hay những người còn đang khó khăn.

Chef Nguyễn Thị Ánh trong buổi quyên thiện và trao tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn

Trong đại dịch covid 19, chị cùng Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội tổ chức chương trình Suất ăn yêu thương. Chương trình đã kêu gọi sự đóng góp tài trợ của các nhà hảo tâm bằng tiền hoặc thực phẩm. Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội cùng các hội viên đã triển khai nấu được hơn 10 nghìn suất ăn gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện đa khoa Bắc Giang, Bắc Ninh. Chương trình có sức lan toả lớn và được đài truyền hình  Việt Nam VTV1, VTV3 đưa tin.

Chef Nguyễn Thị Ánh cùng các hội viên Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội

chuẩn bị các “Suất ăn yêu thương”

Cũng trong quãng thời gian giãn cách xã hội, được chính quyền cấp giấy thông hành, chị đã đi xin tài trợ, tự mình lái xe đến các khu vực ven đô Gia Lâm, Đông Anh mua rau, thực phẩm để phát cho những hoàn cảnh khó khăn, những người mất việc làm, không có thu nhập trong giai đoạn dịch bệnh tại khu dân cư nơi mình sinh sống. Những công việc này đều xuất phát từ tấm lòng tương thân tương ái và có trách nhiệm với cộng đồng của chị.

Chef Nguyễn Thị Ánh cùng người nước ngoài phát nhu yếu phẩm và khẩu trang cho người dân trong thời gian dịch covid 19

 Một Trưởng ban Hội viên và Uỷ viên BCH đầy tâm huyết

Muốn đóng góp cho nghề bếp nói chung, chị tham gia hoạt động tại Hội đầu bếp chuyên nghiệp Hà Nội với mong muốn được đóng góp công sức của mình cho sự phát triển kỹ năng người đầu bếp và ẩm thực nói chung. Chị được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Hội viên, Uỷ viên Ban chấp hành Hội. Có thể nói chị là cầu nối đưa những hoạt động của Hội tới đông đảo hội viên và lắng nghe những mong muốn, trăn trở của người đầu bếp để tham mưu cho Hội làm sao xây dựng những chương trình mang lại nhiều lợi ích cho Hội viên nhất. Đồng hành cùng với Hội hơn 2 năm nay, dù rất bận rộn với công việc của mình, nhưng chị chưa vắng mặt một chương trình nào do Hội tổ chức và cần sự hỗ trợ của chị. Chị đã nhận được nhiều sự ghi nhận và bằng khen từ các tổ chức.

 

Nếu ai đã từng tiếp xúc và biết đến đầu bếp Nguyễn Thị Ánh đều sẽ cảm thấy vô cùng yêu quý và cảm mến con người trượng nghĩa và tử tế của chị. Chị luôn xuất hiện với nụ cười thân thiện và một trái tim đầy nhiệt huyết. Chúc chị luôn có sức khoẻ thật tốt để cống hiến với nghề bếp và có thật nhiều đóng góp cho cộng đồng nói chung.

 

Share